Tổng doanh số cho vay của quỹ địa phương đạt hơn 10.400 tỷ đồng
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, tính đến 31/12/2018, trên cả nước đã có 51 Quỹ HTX được thành lập gồm: 1 Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương (Quỹ HTX Trung ương và 50 Quỹ hỗ trợ phát triển HTX địa phương (Quỹ địa phương).
Tổng nguồn vốn của Quỹ HTX Trung ương tính đến hết năm 2018 là 136,4 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ ngân sách nhà nước (NSNN) cấp ban đầu là 100 tỷ đồng, vốn bổ sung trong quá trình hơn 10 năm hoạt động kinh doanh 36,4 tỷ đồng. Tổng doanh số cho vay của Quỹ HTX Trung ương từ khi thành lập (năm 2006) đến nay là 258,7 tỷ đồng cho 110 dự án. Các dự án vay vốn của quỹ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa (chiếm 70% tổng số dự án) tại 35 tỉnh, thành phố.
Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, các HTX, liên hiệp HTX sau khi vay vốn tại quỹ đã tăng trưởng về quy mô và hiệu quả sản xuất kinh doanh: doanh thu, lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 50% - 60%; thu nhập bình quân tăng 35%; số nộp ngân sách tăng bình quân 74%.
Các Quỹ HTX địa phương hoạt động chủ yếu theo hai mô hình: Thứ nhất, mô hình tổ chức tài chính nhà nước với 100% vốn điều lệ do NSNN cấp hoặc cho vay. Hiện nay có 44 quỹ hoạt động theo mô hình này. Tính đến ngày 31/12/2017, tổng số vốn ngân sách địa phương cấp (hoặc cho vay) để bổ sung vốn điều lệ cho các quỹ là hơn 613,7 tỷ đồng, tổng nguồn vốn hoạt động của các quỹ là hơn 650,8 tỷ đồng.
Mô hình thứ hai là tổ chức tài chính với vốn điều lệ từ các nguồn: NSNN cấp hoặc cho vay không thu lãi; vốn góp của thành viên góp vốn. Mô hình này gần tương tự như mô hình hợp tác. Hiện nay có 6 quỹ hoạt động theo mô hình này (Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Quảng Trị). Tính đến hết năm 2017, tổng nguồn vốn hoạt động của các quỹ này đạt hơn 893 tỷ đồng. Trong đó Quỹ trợ vốn xã viên HTX Thành phố Hồ Chí Minh là quỹ HTX địa phương có quy mô lớn nhất, với tổng nguồn vốn hoạt động là 793 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, tổng doanh số cho vay của các Quỹ HTX địa phương từ khi thành lập đến nay là 10.437 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 1.314 tỷ đồng. Các dự án vay vốn của các quỹ địa phương tập trung chủ yếu vào phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Các quỹ HTX phải bảo toàn và phát triển vốn
Theo các báo cáo của địa phương, chất lượng tín dụng của các Quỹ HTX địa phương tương đối tốt. Tuy nhiên, do hoạt động tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro như: một số quỹ quy mô nhỏ; lĩnh vực cho vay chủ yếu là nông nghiệp nên thường xuyên chịu rủi ro, dẫn đến chất lượng tín dụng chưa cao. Một số ít quỹ có tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ cao như Quỹ HTX Đồng Nai (39,3%), Quỹ HTX Quảng Trị (12%), Quỹ HTX Cà Mau (50,2%),…
Theo Bộ Tài chính, trong thời điểm hiện nay, cần thiết ban hành nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, nhằm tạo khung pháp lý thống nhất cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các Quỹ HTX, đảm bảo tính tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm, bảo toàn và phát triển vốn, liên kết hệ thống từ trung ương đến địa phương. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tập thể tiếp cận vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Dự thảo Nghị định bao gồm 6 Chương và 66 Điều, trong đó, quy định cụ thể về các nội dung liên quan đến thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTX Trung ương và địa phương; quy định cụ thể việc cơ cấu lại, giải thể Quỹ HTX; tổ chức thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Đáng chú ý, trong dự thảo nghị định, đã quy định cụ thể về điều kiện cho vay, thời hạn cho vay, mức vốn cho vay, giới hạn cho vay, lãi suất cho vay, bảo đảm tiền vay, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro. Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ không quy định Quỹ HTX thực hiện hoạt động bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.
Ngoài ra, để tăng cường công tác quản lý, giám sát các quỹ tài chính nhà nước theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, dự thảo nghị định quy định cụ thể nội dung về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động, cơ cấu lại và giải thể quỹ. Theo đó, Liên minh HTX các cấp thực hiện chức năng giám sát của đại diện chủ sở hữu nhà nước, đại diện phần vốn góp nhà nước tại các Quỹ HTX để báo cáo Thủ tướng Chính phủ (đối với Quỹ HTX Trung ương) và UBND cấp tỉnh (đối với Quỹ HTX địa phương).
Dự thảo Nghị định cũng quy định quỹ HTX thực hiện giải thể trong trường hợp: không đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu theo quy định; bị đánh giá, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong 3 năm liên tiếp kể từ khi nghị định có hiệu lực thi hành./.