Từ bỏ phố thị ồn ào, anh Đặng Quang Tiệp – một kỹ sư nông nghiệp trẻ đã chọn vùng đất Mường Kịt (xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn) làm nơi khởi nghiệp. Với tầm nhìn táo bạo và bàn tay lao động cần mẫn, anh không chỉ biến vùng đồi hoang sơ thành "vườn cam bạc tỷ", mà còn gây dựng Hợp tác xã (HTX) Cây ăn quả và Dược liệu Mường Kịt trở thành mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu, góp phần làm thay đổi diện mạo một vùng nông thôn miền núi.

Hành trình vượt thử thách, năm 2019, anh Tiệp đối mặt với muôn vàn khó khăn khi bắt đầu trồng 1.200 gốc quýt Thái và 1.000 gốc cam V1 lòng vàng trên vùng đất đồi cằn cỗi. Người dân địa phương hoài nghi, vì ban đầu cây trồng gặp nhiều sâu bệnh do chưa thích nghi thổ nhưỡng, nhưng anh không bỏ cuộc, với phương châm "nông nghiệp sạch là tương lai", anh kiên trì áp dụng kỹ thuật sinh học, từ bỏ hóa chất, tỉ mỉ chăm sóc từng gốc cây. Kết quả không phụ công người, chỉ sau 5 năm, vườn cây đã cho sản lượng 50 tấn/năm, doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng/năm. Thành công này không chỉ khẳng định tầm nhìn của anh, mà còn chứng minh tiềm năng "đất vàng" của vùng đất Kiệt Sơn.

Nhận thấy cơ hội phát triển thông qua mô hình kinh tế hợp tác xã, năm 2023, anh Tiệp cùng một số thành viên là người đồng bào dân tộc Mường đã thành lập HTX Cây ăn quả và Dược liệu Mường Kịt, quy tụ được 50 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam, quýt (trong đó 5 ha đạt chuẩn VietGAP). HTX không chỉ tập trung vào sản xuất, mà còn chú trọng xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Với sự hỗ trợ từ Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ, HTX đã đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể “Cam, Quýt Kiệt Sơn”, từng bước khẳng định uy tín trên thị trường. Sản phẩm dần hiện diện trong các hệ thống nông sản sạch, chợ đầu mối lớn, và đang hướng tới xuất khẩu. Bên cạnh đó HTX còn chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ thuật cho hàng chục hộ nông dân dân tộc Mường, giúp họ tham gia chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao. Song song với cây ăn quả, HTX cũng hướng tới phát triển cây dược liệu bản địa, tận dụng hệ sinh thái phong phú của vùng đồi Kiệt Sơn, đồng thời mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp gắn với y học cổ truyền và du lịch nông thôn.

Câu chuyện của anh Đặng Quang Tiệp - Giám đốc HTX Cây ăn quả và Dược liệu Mường Kịt là minh chứng sống động cho sức mạnh của kinh tế hợp tác tại vùng sâu, vùng xa. Những người trẻ đã biết kết hợp tri thức khoa học với bản sắc địa phương để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao mang tính cạnh tranh. Biết tìm ra hướng đi để phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống cộng đồng. Từ một người Kinh "lạc bước" giữa núi rừng, anh Tiệp đã trở thành "nhạc trưởng" dẫn dắt cộng đồng cùng làm giàu. Hành trình của anh không chỉ là khát vọng cá nhân, mà còn là ngọn đuốc sáng truyền cảm hứng cho bao thanh niên dám rời phố lên rừng, viết tiếp những câu chuyện mới cho nông nghiệp miền núi Tân Sơn.
Lê Đỗ Ngọc Quỳnh
Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ