Hợp tác xã (HTX) thanh long ruột đỏ xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo ra hiệu quả kinh tế rõ rệt, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương.

Quy trình sản xuất chuẩn VietGAP - nền tảng của chất lượng
Để đạt được chứng nhận VietGAP, HTX thanh long ruột đỏ xã Yên Kiện đã nghiêm túc tuân thủ các quy trình kỹ thuật khắt khe từ khâu trồng trọt đến thu hoạch. Trong đó, công đoạn chăm sóc cây trồng được đặc biệt chú trọng. Sau mỗi vụ thu hoạch, các hộ thành viên đều được hướng dẫn kỹ thuật làm sạch cỏ, cắt tỉa cành già, thu gom và tiêu hủy trái bị bệnh, đảm bảo vườn cây thông thoáng, hạn chế sâu bệnh phát sinh. HTX ưu tiên sử dụng các giải pháp sinh học an toàn, tiêu biểu như thuốc bảo vệ thực vật sinh học Norshield 86.2WG để phòng bệnh cho cành non. Đồng thời, phân bón hữu cơ Organic 1 (2–3 kg/trụ) được sử dụng để cải tạo đất, kích thích rễ phát triển và tăng sức đề kháng cho cây. Bên cạnh đó, HTX cũng chú trọng đào rãnh thoát nước để phòng chống ngập úng, bảo vệ cây trồng trong mùa mưa.

Hiệu quả kinh tế vượt trội và chuyển đổi tư duy
Với diện tích 14 ha trồng thanh long ruột đỏ, sản lượng trung bình đạt 20 tấn/ha/năm, năm 2024, HTX đã tiêu thụ gần 300 tấn quả, đạt 2,53 tỷ đồng doanh thu, mang lại gần 500 triệu đồng lợi nhuận. Sản phẩm được gắn tem QR truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng và an toàn thực phẩm, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. HTX cũng tích cực tham gia các dự án hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lượng, điển hình là dự án “Thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa tại các HTX” do Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ chủ trì. Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, thành viên HTX đã từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang mô hình liên kết tập thể, gắn sản phẩm với tiêu chuẩn chất lượng và nhu cầu thị trường.

Xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững
Không chỉ tập trung vào sản xuất, HTX thanh long ruột đỏ xã Yên Kiện còn chủ động xây dựng thương hiệu “Thanh long ruột đỏ Yên Kiện” thông qua việc đăng ký mã QR, chuẩn hóa bao bì, nhãn mác sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều siêu thị nông sản sạch, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao về độ ngọt, màu sắc tự nhiên và chất lượng ổn định.
Trong thời gian tới, HTX đặt mục tiêu mở rộng diện tích canh tác, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, HTX kỳ vọng chinh phục các thị trường khó tính và nâng tầm thương hiệu “Thanh long sạch Yên Kiện” trên bản đồ nông sản Việt Nam. Với sự quyết tâm, chiến lược phát triển bài bản và tư duy đổi mới, mô hình của HTX Yên Kiện đang từng bước trở thành cánh chim đầu đàn trong hành trình phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Phú Thọ. Đây không chỉ là một mô hình sản xuất hiệu quả, mà còn là hình mẫu để nhân rộng trong toàn tỉnh và khu vực lân cận, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống người dân./.
Nguyễn Vũ Kỳ Nam
Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ