Về với vùng đất trung du bên dòng sông Lô, thôn Răm, xã Bình Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, du khách được thưởng thức một món ăn vô cùng đậm đà mà dân dã đó là cá thính Tử Đà. Món ăn đã trở thành khẩu vị không thể thiếu trong bữa ăn của người dân vùng đất Tổ.
Để có những mẻ cá thính thơm ngon thì khâu quan trọng nhất là lựa chọn nguyên liệu, cá chọn làm thính thường là cá trôi nhân, cá chim, cá chép, cá mè, khi mổ phải còn tươi sống thì thịt cá sẽ không bị bở. Cá sau khi mổ sạch ruột, để nguyên con với cá nhỏ, cắt khúc với cá to, rửa nước thật sạch sau đó để cho ráo nước rồi vào muối. Muối phải là muối hạt trắng, cứ một yến cá thì ướp với 1,2 kg muối. Sau 3 ngày ướp muối, cá được đem trộn bột thính làm từ ngô rang thơm nghiền nhỏ, có mùi thơm đặc trưng. Sau khi được trộn bột thính thật đều từng lớp cá được xếp vào chum sành, cho rơm và mo cau lên trên, rồi đặt úp lên trên một khay nước muối loãng làm sao để không cho cá, rơm bên trong chum bị thấm nước. Đặc biệt, mỗi lớp cá thính thường kèm một lớp lá ổi tươi, điều này không chỉ giúp cá nhanh chua mà còn giảm độ tanh, tạo mùi thơm riêng đặc trưng cho cá thính Tử Đà. Sau 7 ngày cá đã đạt độ ngon, sẽ được đem đóng hộp và đưa ra thị trường. Khi ăn thấy vị thơm của thịt cá và mùi thơm của thính quyện vào nhau tạo nên một hương vị đặc biệt rất khó tả. Cá thính Tử Đà có tiếng ngon và có sự khác biệt hơn so với những vùng khác là do bí quyết và cách chọn nguyên liệu.

Để phát huy và giữ gìn nghề truyền thống, đồng thời hưởng ứng chương trình mỗi xã một sản phẩm, gắn với sản phẩm đặc thù địa phương, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền xã Bình Phú, năm 2018, HTX nông nghiệp Tử Đà đã xây dựng phương án nhằm đẩy mạnh phát triển nghề cá thính, để giúp các hộ thành viên mở rộng quy mô sản xuất. Tháng 7-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tử Đà” cho các sản phẩm cá thính xã Tử Đà, huyện Phù Ninh. Đó là cơ hội để sản phẩm cá thính khẳng định vị trí trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2022, HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cá thính Tử Đà” và cấp phép sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các hộ gia đình làm nghề cá thính của xã. Sau khi sản phẩm có thương hiệu cùng với giá bán ra thị trường rất hợp lý: Thính cá mè: 120.000 đồng/kg, thính cá trôi nhân: 130.000 đồng/kg, thính cá trắm: 150.000 đồng/kg và những nỗ lực không ngừng của HTX và các thành viên, sản phẩm “Cá thính Tử Đà” đã có mặt trên rộng khắp trên thị trường trong và ngoài tỉnh như: siêu thị Coop - Mart, Vinmart, Phú Cường…; Trung bình mỗi hộ thành viên có doanh thu từ 150 - 200 triệu đồng mỗi năm từ nghề làm cá thính, sản phẩm “Cá thính Tử Đà” còn được huyện Phù Ninh lựa chọn làm quà tặng của địa phương; năm 2021, sản phẩm “Cá thính Tử Đà” đã tham gia phân hạng sản phẩm OCOP và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Với sự phát triển của thương hiệu cá thính Tử Đà, HTX nông nghiệp Tử Đà có doanh thu từ dịch vụ sản xuất, kinh doanh cá thính đạt hơn 8,5 tỷ đồng/năm, đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 60-70 lao động, với mức thu nhập từ 4- 6 triệu đồng/người/tháng. Kết hợp với việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, đến nay thương hiệu “Cá thính Tử Đà” đã được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Mặc dù, cá thính Tử Đà là một món ăn dân dã, bình dị nhưng lại vô cùng tinh túy. Có lẽ, vì phương thức làm gia truyền đã tạo nên hương vị và thương hiệu riêng của món ăn này.
Nguyễn Hồng Sơn
Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ