Với lợi thế nguồn tài nguyên khoáng nóng, khí hậu ôn hòa cùng cảnh quan trung du đặc trưng, xã Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng trọng điểm của khu vực. Trong tiến trình đó, chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, khuyến khích sự tham gia của người dân, đặc biệt là thông qua mô hình Hợp tác xã (HTX) gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn. Không chỉ khai thác hiệu quả tiềm năng bản địa, mô hình này còn tạo nên sức sống mới cho du lịch cộng đồng, từ những khu homestay mộc mạc giữa đồi chè, đến không gian trải nghiệm nông nghiệp và văn hóa bản địa sống động. Đây chính là hướng đi mang lại lợi ích kép, phát triển sinh kế, gìn giữ bản sắc và lan tỏa giá trị xanh, góp phần xây dựng nền kinh tế nông thôn bền vững và thân thiện với môi trường.

Một trong những mô hình tiêu biểu đang tạo dấu ấn rõ nét tại Thanh Thủy là Hợp tác xã du lịch nông nghiệp Thanh Thủy, nơi khởi nguồn từ khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của anh Trần Hoàng Kiên, Giám đốc HTX. Với tầm nhìn phát triển kinh tế gắn liền với gìn giữ văn hóa truyền thống, anh Kiên cùng các thành viên HTX đã xây dựng nên một mô hình du lịch cộng đồng độc đáo, tích hợp giữa nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm bản địa và không gian văn hóa vùng trung du. Sau hơn một năm hoạt động, HTX đã triển khai hàng loạt hạng mục cụ thể, mang tính thực tiễn cao. Tận dụng lợi thế thiên nhiên và đồi chè sẵn có, HTX đã cải tạo khu sản xuất thành không gian du lịch nông nghiệp sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng. Các hạng mục như khu homestay kiểu truyền thống, không gian check-in sáng tạo, khu ẩm thực dân dã, cafe ngoài trời, sân khấu âm nhạc dân gian… được đầu tư bài bản, tạo nên điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài tỉnh. Không gian tại HTX vừa đậm chất bản địa vừa mở ra những trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, nơi mà giá trị xanh không chỉ là cảnh quan, mà còn là lối sống và cách làm du lịch có trách nhiệm.

Trung bình mỗi tháng, HTX đón trên 1.000 lượt khách, đặc biệt đông vào các dịp cuối tuần và lễ, tết. Mô hình đã tạo việc làm ổn định cho 4 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình 11 triệu đồng/người/tháng, đồng thời huy động khoảng 10 lao động thời vụ, góp phần giải quyết sinh kế cho người dân địa phương. Không dừng lại ở giá trị kinh tế, mô hình của HTX du lịch nông nghiệp Thanh Thủy còn thể hiện rõ vai trò trong gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa địa phương. Việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm như hái chè, làm bánh truyền thống, giao lưu văn nghệ dân gian, cùng cách bài trí không gian đậm chất làng quê đã tạo nên bản sắc riêng biệt, thu hút du khách và nuôi dưỡng niềm tự hào cộng đồng. Đồng thời, ý thức bảo vệ môi trường cũng được lồng ghép một cách tự nhiên trong mọi hoạt động, từ sử dụng vật liệu thân thiện, phân loại rác, đến tái tạo cảnh quan gắn với thiên nhiên.

Có thể khẳng định, HTX không chỉ là “hạt nhân” trong phát triển du lịch nông thôn mà còn là điểm tựa quan trọng để các địa phương sau sáp nhập giữ vững bản sắc, phát huy nội lực và xây dựng mô hình phát triển hài hòa, bền vững. Việc nhân rộng những mô hình như HTX du lịch nông nghiệp Thanh Thủy chính là cách để mỗi vùng quê vừa không mất đi “hồn cốt” của mình, vừa bắt nhịp với xu thế phát triển chung của thời đại mới.
Phùng Việt Quân
Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ